Mặt đường dẫn vào mỏ khai thác đất sét bị xói mòn, trơ đất đá
Phóng viên (PV) báo Thời Đại có mặt tại xã Tràng Đà để tìm hiểu, xác minh thông tin người dân phản ánh. Hình ảnh mà PV ghi nhận thực tế tại hiện trường nhận thấy: lượng bùn, đất do khai thác mỏ đất sét chảy tràn xuống các thửa ruộng của người dân có độ dày khoảng 10cm, có ruộng dày đến 20cm; đầu đường đi vào nhà máy xi măng Tân Quang bụi mù mịt, mặt đường hư hỏng xuống cấp; đường dẫn lên mỏ đất sét của Công ty xi măng Tân Quang bị xói mòn trơ cả đất đá.
Điện tích đất trồng cây lúa nước 2 vụ/năm của gia đình anh Hoà ngập trong bị bùn đất đỏ không cấy được lúa
Sáng ngày 26/11/2015, trao đổi với phóng viên (PV), anh Đào Phú Hoà, xóm 6 (xã Tràng Đà - TP Tuyên Quang) bức xúc nói: “Gia đình tôi có 300m2 đất cấy 2 vụ lúa một năm; những năm trước, gia đình tôi canh tác cấy lúa đạt năng suất từ 180kg đến 200kg/sào. Nhưng khoảng tháng 9/2014 đến nay nhà tôi không canh tác cấy lúa được do đất và bùn đỏ mỏ đất sét của Nhà máy xi măng Tân Quang chảy xuống diện tích đất lúa nhà tôi đang canh tác”.
Đường vào mỏ khai thác mỏ đất sét bị cày nát
Còn chị Hoàng Thị Hoa (vợ anh Đào Phú Hoà) cho biết: “Ngày 16/11/2015 tôi có đơn đề nghị gửi Uỷ ban xã Tràng Đà xem xét giải quyết việc 300m2 đất ruộng cấy 2 vụ lúa một năm của nhà tôi bị lấp không canh tác được do mỏ đất sét của nhà máy xi măng Tân Quang tràn xuống, đến nay gia đình tôi chưa biết giải quyết thế nào”.
Đơn đề nghị của chị Hoàng Thị Hoa, xóm 6 xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang
Chị L, người dân xóm 5 xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang cho biết: “Mỗi khi họ nổ mìn khai thác đá cho nhà máy xi măng Tân Quang thì nhà cửa rung động, đất đá bắn tung lên bụi lắm, nhiều nhà bị nứt; họ nổ mìn ngày 1 lần, đa số nổ mìn vào buổi chiều; nhiều nhà người dân xóm 3, xóm 4 bị ảnh hưởng nặng lắm, họ kêu nhiều lắm”.
Vị trí mỏ khai thác đất sét của Công ty CP Xi măng Tân Quang ngừng hoạt động khi bị người dân phản ánh
Làm việc với PV về vấn đế nêu trên, bà Vũ Thị Thu Hoài – Chủ tịch UBND xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang cho biết: “Xóm 6 có 3 hộ dân là Vũ Thị Mơ, Phạm Văn Sinh, Hoàng Thị Hoa phản ánh đất sét tràn xuống đất của các hộ gia đình đang canh tác. Sau khi nhận được ý kiến của người dân, xã có văn bản chuyển đơn đến Công ty xi măng Tân Quang giải quyết. Phía công ty và các hộ dân đã thoả thuận thống nhất phương án đền bù thiệt hại rồi”.
Văn bản số 154/UBND-TP ngày 23/11/2015 của UBND xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang gửi Công ty CP xi măng Tân Quang giải quyết đơn của công dân, thông báo kết quả giải quyết về UBND xã trước ngày 18/12/2015
Về vấn đề nổ mìn khai thác đá của Công ty xi măng Tân Quang gây bụi, tiếng động lớn, bà Thu Hoài nói: “xóm 2, xóm 3 (xã Tràng Đà – PV) chủ yếu bị ảnh hưởng là tiếng nổ thôi, khi nổ mìn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân…người ta nổi mìn có giờ, đất đá nó nổ tung lên thì phải có tý bụi chứ”.
Đoạn đường vào Công ty CP xi măng Tân Quang bị hư hỏng, xuống cấp
“Tôi mong muốn nhà máy xi măng Tân Quang khi khai thác đất sét tại mỏ có biện pháp không để đất và bùn đỏ chảy tràn xuống ruộng của người dân chúng tôi”, ông Phú Hoà bày tỏ.
Được biết, Nhà máy xi măng Tân Quang, có công suất 2.500 tấn clinker/ngày (tương đương 910.000 tấn xi măng/năm), đã chính thức đi vào hoạt động tháng 1/2011 tại xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang, do công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) làm chủ đầu tư. Ngoài ra, Nhà máy xi măng Tân Quang hoàn thành xong dự án đầu tư khai thác mỏ đá vôi và mỏ đất sét ở xã Tràng Đà, một mỏ đá lộ thiên trữ lượng lớn. Đây là hai nguyên liệu chính chất lượng tốt, đảm bảo cho công ty sản xuất được clanhke đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.
Minh Sơn
Nguồn bài viết : Chơi sòng bạc