Theo thông tin PV Dân trí có được, một trong những người tham gia lặn xuống biển Vũng Áng truy tìm đường ống xả thải của KCN Formosa là anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau nhiều thời gian truy tìm, anh Thành và các ngư dân đã tìm thấy một đường ống xả thải cắm sâu xuống lòng biển đang phun ra thứ nước vàng đục, có mùi hôi thối.
Theo miêu tả của anh Thành thì đường ống có đường kính khoảng 1,1m được làm bằng sắt rất chắc chắn, phía cuối đường ống có nối với 3 ống nhỏ, mỗi đoạn đường ống nhỏ dài 2m, đường kính khoảng 40cm. Điểm cuối của ống nhỏ này được bịt bằng van cao su kiểu lưỡi gà (nước trong ống chỉ có thể chảy ra, nước ở ngoài không thể chui vào). Ống này kéo dài vào bờ biển, được vùi dưới cát và nối với khu công nghiệp.
“Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi cảm thấy rất ngạt thở”, anh Thành nói.
Anh H., thành viên của một công ty chuyên trục vớt tàu thuyền đóng tại xã Kỳ Lợi, người cũng đã lặn và xác nhận về đường ống xả thải nói trên, cung cấp thêm thông tin: “Đường ống xả này chạy dọc theo bờ tường rào của Formosa về phía xã Kỳ Lợi. Đến sát mép biển, đường ống chôn sâu dưới đất chạy thẳng ra biển. Vị trí cuối cùng của đường ống xả thải này nằm cách bờ biển khoảng 2km. Tôi đã xuống đó ít nhất 3 lần, và rất nghi ngờ đường ống này đã tuồn chất độc ra biển”- anh H. nói.
Anh H, người đã 3 lần lặn xuống khu vực ống xả thải nghi ngờ nguồn nước từ đường ống này là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.
Đã trình báo, Thủ tướng đã chỉ đạo
Sau khi phát hiện ra đường ống trên, cả anh Thành, anh H. đều đã thông tin cho Đồn Biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh); đồng thời vẽ lại hồ sơ cùng vị trí của đường ống dưới lòng biển.
Trung tá Nguyễn Khắc Minh, Đồn phó Đồn Biên phòng Đèo Ngang cho biết đơn vị này đã nhận được thông tin về một đường ống xả thải khổng lồ được nối liền từ khu vực Formosa ra đáy biển, như anh Thành đã trình báo.
“Hiện chúng tôi đã trình báo vụ việc này cho cấp trên là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh biết và đang chờ ý kiến chỉ đạo”, Trung tá Minh nói.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Khánh Ly ngày 21/4, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, ông cũng đã nhận được thông tin trình báo của người dân địa phương về đường ống xả thải nói trên, đồng thời cho biết, sắp tới sẽ trình báo thông tin có một đường ống xả thải nối liền từ Khu kinh tế Vũng Áng ra biển như ngư dân phản ánh cho Bộ NN-PTNT biết để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh vào cuộc điều tra, tìm hiểu rõ về vụ việc.
Sau khi theo dõi các thông tin về tình trạng khí thải từ các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu Công nghiệp Vũng Áng, chiều 22/4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các thông tin liên quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, các cơ quan liên quan phải đề xuất giải pháp xử lý, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đoàn kiểm tra sẽ có mặt trong... vài ngày tới
Ngày 26/4 tới, Bộ Công Thương sẽ cử đoàn kiểm tra tới Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa để kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải và làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này.
Về tình trạng khí thải từ các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu Công nghiệp Vũng Áng, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã quyết định thành lập đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường tại đây.
Thành phần đoàn công tác gồm có Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm trưởng đoàn; lãnh đạo Tổng cục Năng lượng; lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng; lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh.
Cuối giờ chiều 22/4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký công văn hỏa tốc gửi tới Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thông báo về việc cử đoàn công tác đến doanh nghiệp này làm việc về tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường.
Thời gian làm việc sẽ bắt đầu từ 8h30’ ngày 26/4, trong đó sẽ bao gồm kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải. Sau đó, đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo công ty tại văn phòng.
Trong công văn này, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị phía Hưng Nghiệp Formosa chuẩn bị tài liệu và bố trí lãnh đạo làm việc với đoàn công tác.
Bộ nói chưa, chủ đầu tư nói đã cấp phép
Theo báo Thanh niên, tại Hà Tĩnh, ngày 22/4, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết, hệ thống đường ống xả thải dài 1,5 km, đường kính 1,5 m được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho phép lắp đặt để xả nước thải đã qua xử lý của Formosa, nằm trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Theo ông Khâu Nhân Kiệt, Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa), mỗi ngày đêm, dự án Formosa xả thải 12.000 m3 nước thải, tuy nhiên nguồn nước này trước khi xả thải ra môi trường đã được xử lý qua quy trình tự động khép kín, đạt tiêu chuẩn của Bộ TN-MT.
Thế nhưng ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT lại khẳng định: “đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động”. Theo ông Tùng, việc lấy mẫu nước thải của dự án Formosa để kiểm tra được tiến hành định kỳ 1 lần/quý. Tất cả các lần lấy mẫu kiểm định từ năm 2015 đến nay đều đạt tiêu chuẩn. Kết quả kiểm định các mẫu nước, tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Về thông tin Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vừa sử dụng hóa chất tẩy rửa đường ống rồi xả ra biển, ông Kiệt thừa nhận, Formosa mới nhập về một lượng lớn hóa chất tẩy rửa, để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn. Khi sử dụng, hóa chất này có pha với nước để làm loãng và sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển.
Đoàn công tác của Bộ TN-MT “làm việc bí mật” Trong khi đó, đoàn công tác của Bộ TN-MT đến làm việc với lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (đều đóng tại Khu kinh tế Vũng Áng). Tuy nhiên, báo chí không được tham dự và các thông tin về buổi làm việc cũng không được tiết lộ. Theo quan sát của PV, ngày 22/4, dọc bờ biển Vũng Áng, đoạn qua các xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cá, tôm, mực, ghẹ, ốc, ngao, sò vẫn tiếp tục chết dạt vào bờ với mật độ khá dày và bốc mùi hôi thối. Nước biển ở những khu vực này có màu khác thường, đặc biệt tại khu vực gần cảng biển Vũng Áng, nước có màu đen như màu nước xỉ than. Theo báo Dân trí, Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự án mà Formosa đầu tư vào Việt Nam. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án này khoảng 10 tỷ USD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Sau khi hoàn thành, đây dự kiến sẽ là một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á. Sau nhiều tai tiếng liên quan đến xây dựng trái phép, sập giàn giáo... thì mới đây, dự án này lại dính nghi án lùm xùm xả thải ra môi trường. Hồi đầu tháng 3/2016, lực lượng công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt tại trận và lập biên bản với hai xe ben đổ trộm hàng tấn chất thải gồm chai lọ, cao su, sắt thép, nhiều thùng chứa hóa chất... xuống khu đất sát đường thuộc phường Kỳ Liên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trước đó, các nhà máy nhiệt điện tại KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang nhả những cột khổng lồ, tạo nên những đám mây xám xịt, ô nhiễm. ĐTại KCN Vũng Áng, hiện có 2 nhà máy nhiệt điện, một là nhiệt điện Vũng Áng 1 (của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) với 2 tổ máy có công suất 1.200 MW và Nhà máy nhiệt điện Formosa, với 5 tổ máy, trong đó hiện tổ máy đốt than số 1 có công suất 150 MW. |
PV tổng hợp
Nguồn bài viết : Diamond E-gaming Club